Trang chủ

Trang chủ

Radio Online

Thương tiếc NSND Trọng Khôi



NSND Trọng Khôi trong vở diễn nổi tiếng Hồn Trương Ba, da hàng thịt  
 
NSND Trọng Khôi, một gương mặt tiêu biểu của đội ngũ diễn viên kịch nói thế hệ thứ ba của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch T.Ư, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 14-3 vừa qua !
NSND NGUYỄN TRỌNG KHÔI sinh tháng 2-1943, thời thơ ấu sống với gia đình ở Hà Nội. Ngay từ khi học tiểu học, cậu bé hiếu động đã sớm bộc lộ khả năng diễn xuất. Và vở diễn đầu tiên, Trọng Khôi xuất hiện như một diễn viên nhí là Lê Lai cứu chúa. Học hết trung học, Trọng Khôi như nhiều bè bạn cùng lứa tuổi, bắt đầu ý thức về nghề nghiệp tương lai, để rồi năm 1961 khi khóa đào tạo diễn viên kịch nói đầu tiên được mở tại Trường nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, anh đã quyết định ghi danh. Trúng tuyển, Trọng Khôi trở thành bạn học cùng với Doãn Hoàng Giang, Thế Anh, Ngọc Thủy, Nguyệt Ánh, Ðoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Mỹ Dung, Bích Thu, Doãn Châu, Xuân Chính, Tú Mai,... Tháng 5-1964 tốt nghiệp, gần như toàn thể học viên khóa học này được điều động về Ðoàn kịch Trung ương, sau này họ trở thành những tên tuổi hàng đầu của thế hệ diễn viên chuyên nghiệp kịch nói Việt Nam hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của nền sân khấu cách mạng nước nhà.
Những năm đầu vào nghề, Trọng Khôi chưa có cơ hội tỏa sáng trong các vai diễn được dư luận chú ý như bạn bè cùng lứa, khiến anh toan chuyển nghề. Song tình yêu mãnh liệt ánh đèn sân khấu đã giữ anh ở lại với nhà hát, kiên trì chờ đợi một vai diễn thích hợp, giúp anh bộc lộ khả năng tiềm ẩn đang bị che lấp ở loạt vai diễn phụ lướt qua sân khấu trong mấy vở kịch ngắn Mẹ và những người con, Sân ga về sáng, Ðồng. Mãi đến năm 1972, anh được con mắt tinh tường của đạo diễn Dương Ngọc Ðức phát hiện giao cho vai người chiến sĩ Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước, và vai diễn ấy trở thành sự kiện của sinh hoạt nghệ thuật thời ấy. Ðóng góp đáng kể vào thành công chung, có vai trò đáng ghi nhận trong diễn xuất tinh tế, chân thực, chắt lọc và đầy truyền cảm của diễn viên Trọng Khôi. Rồi Trọng Khôi lần lượt xuất hiện trong loạt vở diễn nước ngoài gây ấn tượng như anh thanh niên yêu nước Vi Tan trong vở Hoa anh túc (kịch Bun-ga-ri), Ði-a-lốp trong kịch bản nổi tiếng của nhà soạn kịch Xô-viết Pô-gô-đin vở Khúc thứ ba bi tráng, người nông dân trong vở Bạch đàn liễu (1974), phi công Nguyễn Thành Phước trong vở Bay trước mùa xuân (1979), v.v...
Với thời gian, Trọng Khôi càng thể hiện rõ một tài năng đa dạng. Không chỉ thành công trong các vai phản diện, như quan huyện (vở Nghêu, Sò, ốc, Hến), kẻ xảo trá E-rô-xtát trong vở kịch cùng tên), viên tướng sừng sỏ của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ Ðờ Cát (vở bài ca Ðiện Biên), v.v... mà anh còn nổi tiếng ở những nhân vật lịch sử tầm vóc như lãnh tụ Ði-mi-trốp - vở Ðỏ và nâu (kịch Bun-ga-ri), vua Bảo Ðại - vở lịch sử và nhân chứng, rồi nhân vật lịch sử phức tạp trong Trần Thủ Ðộ, v.v. Từ sân khấu, Trọng Khôi đến với điện ảnh, truyền hình và cũng được công chúng mến mộ với vai diễn Nghị Hách (phim Giông tố), Chu Dĩnh (phim truyền hình nhiều tập Con nhện xanh)...
Nhưng có lẽ, hai vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của NSND Trọng Khôi là Trương Ba ở vở Hồn Trương Ba của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và vua Lia trong tác phẩm cùng tên của đại văn hào Anh Uy-li-am Sếch-xpia. Hai vai diễn để đời này thật sự kết tinh, chung đúc tài năng diễn xuất của người nghệ sĩ này ở các phương diện khác nhau. Nếu ở nhân vật Trương Ba với sự tìm tòi tuyệt vời ở động tác của đôi tay đánh vào nhau như của hai con người tự phân thân bản thân mình thì lớp độc thoại lại bộc lộ cơn giận dữ và thất vọng kinh hoàng của vua Lia thật sự trở thành những biểu hiện mẫu mực của nghệ thuật diễn xuất tâm trạng con người ở những khoảnh khắc cao trào.
NSND Trọng Khôi không ngừng lao động nghệ thuật và tự học hỏi để nâng cao trình độ. Từ hoạt động diễn viên, qua tự học anh còn đến với nghề đạo diễn, thử sức ở một loạt vở diễn khác nhau như Cuộc chia tay tháng 6 (kịch của Văm-pi-lốp), Niềm tin của tôi, Tiếng hát cuộc đời (kịch của Sỹ Hanh), Bến quê,... Nỗ lực tự vượt lên đã đưa Trọng Khôi từ một nghệ sĩ biểu diễn trở thành giám đốc một đơn vị nghệ thuật lớn là Nhà hát Kịch Việt Nam - cánh chim đầu đàn của kịch nói Việt Nam. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam liên tiếp trong hai nhiệm kỳ cho đến khi về hưu.
NSND Trọng Khôi ra đi để lại một niềm tiếc thương vô hạn trong đồng nghiệp và công chúng rộng rãi về một tài năng diễn xuất độc đáo, đầy cá tính và mang phong cách diễn xuất hiện đại. Thời gian gần đây dù sức khỏe suy giảm, bệnh tật ập về, NSND Trọng Khôi vẫn lạc quan yêu đời và yêu nghề, vẫn hào hứng nghĩ tới những dự định đóng kịch, làm phim và giảng dạy truyền nghề cho lớp trẻ. Từ nhiệt huyết với sân khấu của đất nước, ông nhiều lần muốn tổ chức một chuyến lưu diễn xuyên Việt, một chương trình biểu diễn chọn lọc những vai diễn thành công của mình như sự tổng kết nghệ thuật đời diễn viên. Nhưng ông đã ra đi, để lại trong đồng nghiệp và công chúng niềm tiếc thương đối với người nghệ sĩ tài hoa.
NGUYỄN VĂN THÀNH
Phó Trưởng ban Lý luận Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
 


Theo Nhandan


0 Responses So Far: